Huấn luyện viên thể hình bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới nặng được điều trị kịp thời, cải thiện triệu chứng bằng kỹ thuật bơm keo sinh học.

Hiện nay, có hai kỹ thuật điều trị suy giãn tĩnh mạch ít xâm lấn giúp loại bỏ tĩnh mạch giãn mà không cần phẫu thuật: thủ thuật đốt laser nội tĩnh mạch (bằng laser hoặc sóng cao tần) và bơm keo trong lòng tĩnh mạch. Với trường hợp suy giãn tĩnh mạch chi dưới mức độ nặng, phương pháp bơm keo trong lòng tĩnh mạch có nhiều ưu điểm, giúp loại bỏ tĩnh mạch giãn mà còn giảm nguy cơ tổn thương tĩnh mạch, ít biến chứng, mau hồi phục.

Thủ thuật được thực hiện bằng cách bác sĩ mở một đường mổ nhỏ ở giữa cẳng chân để đưa catheter vào trong lòng tĩnh mạch bị giãn rồi bơm keo sinh học. Keo sẽ bám dính trong lòng tĩnh mạch, ép chặt để tĩnh mạch không bị giãn trở lại. Việc làm này giúp vô hiệu hóa chức năng của tĩnh mạch bị suy.

Tương tự như đốt laser tĩnh mạch, trong suốt quá trình diễn ra thủ thuật có sự hỗ trợ của kỹ thuật siêu âm, giúp định vị chính xác vị trí đầu dây dẫn. Nhờ đó, bác sĩ có thể đặt đúng catheter trong lòng tĩnh mạch suy, đồng thời theo dõi xem mạch máu đã teo lại chưa, từ đó tiến hành các bước điều trị thuận lợi.

Vài giờ sau thủ thuật, bệnh nhân hồi phục gần như hoàn toàn. Các triệu chứng sưng phù, đau nhức, chàm da được cải thiện. Đặc biệt, vùng xung quanh tĩnh mạch không bị tổn thương sau can thiệp, ngăn tái phát bệnh. Bệnh nhân hồi phục nhanh, xuất viện một ngày sau đó.

Điều trị suy giãn tĩnh mạch ở người tập gym
Điều trị suy giãn tĩnh mạch ở người tập gym (Ảnh minh họa)

Các bác sĩ giải thích cơ chế suy giãn tĩnh mạch chi dưới, máu được bơm từ tim đến phần còn lại của cơ thể thông qua động mạch, sau đó quay trở lại tim thông qua tĩnh mạch. Bên trong tĩnh mạch chứa van một chiều để ngăn máu chảy ngược trở lại. Khi những van này trở nên yếu hoặc bị hỏng, chúng sẽ không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, khiến áp suất trong tĩnh mạch cao hơn áp suất trong động mạch. Từ đây, máu chảy ngược lại, đọng trong tĩnh mạch, gây nên tình trạng suy giãn tĩnh mạch chi dưới với biểu hiện sưng phù, đau nhức, tê chân, nặng chân, sạm da chân, hình thành huyết khối… Bệnh chia thành các cấp độ từ C1 đến C6.

Có nhiều phương pháp điều trị suy tĩnh mạch chi dưới. Ở cấp độ 1, người bệnh được hướng dẫn điều trị nội khoa bằng cách thay đổi lối sống (không đứng/ngồi quá lâu một chỗ, hạn chế mang giày cao gót, kê cao chân khi ngủ, tập thể dục thường xuyên…), dùng thuốc và mang vớ tĩnh mạch. Từ cấp độ 2 trở đi, tùy thuộc tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn một trong thủ thuật đốt sóng cao tần, laser hoặc keo sinh học Venaseal.

Theo các bác sĩ, đối với những trường hợp tĩnh mạch dạng lưới hoặc dạng mạng nhện, kích thước khoảng vài milimet thì có thể chích xơ. Nhưng nếu suy giãn tĩnh mạch đi kèm suy van, chắc chắn phải loại bỏ tĩnh mạch đó. Trước đây, bác sĩ phải mổ mở để lấy tĩnh mạch ra. Ngày nay, kỹ thuật hiện đại cho phép sử dụng sóng cao tần hoặc laser. Năng lượng phát ra dạng nhiệt sẽ làm xơ hóa toàn bộ tĩnh mạch bị suy giãn, khiến chúng teo đi, không còn lộ trên da chân.

Gần đây, y khoa có thêm những kỹ thuật mới như bơm keo trong lòng tĩnh mạch. Ở thủ thuật này, keo sẽ bám dính trong lòng tĩnh mạch bị suy giãn, khiến tĩnh mạch bị ép lại thành một khối dẹt và vô hiệu hóa chức năng.

So với thủ thuật đốt laser hoặc sóng cao tần, bơm keo sinh học có nhiều ưu điểm vượt trội. Khi sử dụng nhiệt để làm xơ hóa tĩnh mạch suy, bác sĩ phải chích thuốc tê xung quanh tĩnh mạch. Với kỹ thuật bơm keo trong lòng tĩnh mạch, chuyên gia chỉ cần gây tê tại chỗ đưa catheter vào lòng tĩnh mạch. Như vậy, kỹ thuật bơm keo hoàn toàn không tạo ra tổn thương nhiệt, không gây nên những tổn thương ở khu vực xung quanh. Hơn nữa, người bệnh sẽ hồi phục nhanh và có thể đi lại sớm, nguy cơ tái phát gần như không có.

Bác sĩ cũng lưu ý, sau thủ thuật điều trị suy tĩnh mạch chi dưới, bệnh nhân cần có thói quen sinh hoạt phù hợp để ngăn bệnh tái phát. Với những người khó có thể bỏ công việc mình yêu thích như người tập gym nên hạn chế yếu tố thuận lợi để đưa đến bệnh suy giãn tĩnh mạch. Nguyên tắc là không đứng lâu, tránh để máu dồn ở tĩnh mạch. Nếu phải nâng tạ thì bạn nên nằm trên ghế để nâng, tránh những động tác tạo áp lực trực tiếp lên chi dưới. Bên cạnh đó, mỗi người cần có chế độ ăn uống tốt cho sức khỏe tim mạch, mang vớ tĩnh mạch, tuân thủ lịch tái khám định kỳ.

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận