Người bệnh dùng thuốc trị viêm xương khớp để trị suy giãn tĩnh mạch một cách tùy tiện có thể giảm đau ban đầu nhưng không cải thiện được tình trạng suy giãn tĩnh mạch và có thể nặng thêm. Nguy hại là người bệnh không dùng thuốc đúng đắn sẽ bị các tác dụng phụ như hại gan, viêm loét dạ dày tá tràng, hại tim mạch.

Suy giãn tĩnh mạch là rối loạn chỉ tình trạng suy giảm chức năng của tĩnh mạch. Trong lòng của tĩnh mạch được cấu tạo bởi một hệ thống van một chiều, do đó máu trở về tim từ tĩnh mạch cũng theo một chiều nhất định, không có hiện tượng máu chảy ngược trở lại. Suy giãn tĩnh mạch (chủ yếu gặp ở tĩnh mạch nông) là tình trạng tĩnh mạch bị giãn ảnh hưởng đến quá trình lưu thông của máu về tim, làm cho dòng máu chảy theo chiều trái ngược nhau. Bệnh xuất hiện khi thành tĩnh mạch bị suy yếu và các van một chiều bên trong lòng tĩnh mạch bị tổn thương. Bệnh có những triệu chứng như: đau, tê, phù chân nặng chân, vọp bẻ, nổi gân xanh, loét chân… Hậu quả nặng nề nhất trong suy giãn tĩnh mạch là do máu bị ứ đọng trong lòng mạch lâu ngày dễ tạo nên cục máu đông trong lòng tĩnh mạch. Nếu phát hiện muộn và xử lý không tốt thì cục máu đông này sẽ trôi đi theo dòng máu, chảy về tim, từ tim, cục máu sẽ di chuyển theo dòng máu đến các cơ quan, nếu gặp phải nơi mạch máu nhỏ, lòng động mạch hẹp (động mạch bị xơ vữa) thì rất dễ gây tắc nghẽn (qua mạch máu não gây thiếu máu não gây nhũn não hoặc xảy ra ở động mạch vành tim gây nhồi máu cơ tim). Nếu cục máu đông đi về phổi và gây tắc động mạch phổi, có thể dẫn đến tử vong trong vài phút nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

điều trị suy giãn tĩnh mạch
Dùng nhầm thuốc xương khớp để điều trị suy giãn tĩnh mạch

Về điều trị suy giãn tĩnh mạch, nhất là suy giãn tĩnh mạch chân, thường dùng một hay kết hợp ba phương pháp. Phổ biến nhất là dùng băng ép (gọi là vớ ép y khoa mang vào chân) nhằm phục hồi áp suất chênh lệch giữa hai hệ thống tĩnh mạch nông và sâu, giảm đường kính lòng tĩnh mạch để tăng khả năng lưu thông máu. Thứ hai là dùng thuốc làm bền chắc thành tĩnh mạch (chủ yếu chứa rutin hay các chất trích từ dược thảo gọi tên chung là flavonoid) như: Daflon, Ginkgo Fort, Flebosmil, Hesmin, Rutin C, Veinamitol… hoặc các thuốc làm xơ hóa lòng mạch, tiêm gây xơ tại chỗ. Phương pháp thứ ba là phẫu thuật lấy bỏ các tĩnh mạch nông bị giãn.

Nên lưu ý, suy giãn tĩnh mạch là bệnh tuy lành tính nhưng sẽ có biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Có tình trạng là người bệnh không đi đến bác sĩ để được khám chữa trị mà lại nghe theo lời đồn đại hoặc tự ý mua thuốc giảm đau để trị do đau nhức chân.Thuốc có thể dùng sai trong trường hợp này là người bệnh dùng thuốc trị viêm xương khớp để trị suy giãn tĩnh mạch một cách tùy tiện.

Trong chữa trị viêm xương khớp (VXK), để trị đau và trị viêm người ta phải dùng các thuốc chống viêm giảm đau. Thuốc được khuyến cáo dùng đầu tiên là paracetamol, nhưng paracetamol chỉ hiệu quả khi VXK loại nhẹ. Khi bị đau từ trung bình trở lên, người ta bắt buộc dùng thuốc chống viêm không steroid (non-steroid anti-inflamatory drugs, viết tắt NSAID). Thuốc NSAID cổ điển như: aspirin, diclofenac, ibuprofen… có tác dụng chống viêm giảm đau tốt nhưng lại gây nhiều tác dụng phụ có hại, đặc biệt là đau dạ dày, làm cho loét, thậm chí gây xuất huyết tiêu hóa. Còn thuốc NSAID mới gọi là thuốc ức chế chọn lọc COX-2 như celecoxib, etoricoxib có thể gây hại về tim mạch.

Người bị đau nhức chân, tê nặng chân, vọp bẻ, nổi gân xanh ở chân và nghi ngờ là bị suy giãn tĩnh mạch tốt nhất nên đi khám ở bác sĩ để được chữa trị đúng cách.

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận