Bàn tay nổi gân xanh thấy rõ là tình trạng mà nhiều người gặp phải. Gân xanh là những đường tĩnh mạch nông nằm sát da, có chức năng vận chuyển máu từ các cơ quan quay trở về tim. Các đường gân xanh nổi ở tay là những đường tĩnh mạch của tay.
Những nguyên nhân khiến tay nổi nhiều gân xanh
- Do màu da: Những người có nước da trắng, nhạt màu có thể nhìn thấy rõ những đường gân xanh nằm dưới da hơn so với người có nước da tối màu. Da mỏng cũng có thể để lộ các đường gân xanh.
- Do quá gầy: Những người quá gầy có lớp mỡ dưới da mỏng nên không thể che phủ hết các tĩnh mạch nông khiến chúng hiện rõ.
- Do vận động mạnh: Những người lao động nặng, các vận động viên trong quá trình làm việc, luyện tập có thể thấy rõ các đường tĩnh mạch do cơ căng phồng đẩy lên. Các tĩnh mạch sẽ dần bình thường khi nghỉ ngơi.
- Quá trình mang thai: Phụ nữ khi mang thai có thể tích máu lớn hơn rất nhiều so với người phụ nữ bình thường, các mạch máu cũng phải hoạt động nhiều hơn nên thường có hiện tượng nổi gân xanh khi mang thai. Các tĩnh mạch sẽ quay lại bình thường khi quá trình mang thai kết thúc.
- Do các vấn đề sức khỏe liên quan đến tĩnh mạch: Tình trạng gân xanh nổi rõ ở bàn tay, cánh tay, chân hay bất kỳ vị trí nào trên cơ thể đều có thể báo hiệu các vấn đề liên quan đến tĩnh mạch.
Nguyên nhân bàn tay chân nổi gân xanh do suy giãn tĩnh mạch
- Viêm tĩnh mạch: Là nguyên nhân thường gặp gây suy giãn tĩnh mạch, có thể liên quan đến các vấn đề nhiễm trùng, chấn thương ở tĩnh mạch hoặc rối loạn tự miễn.
- Suy tĩnh mạch: Là vấn đề thường gặp với tĩnh mạch ở chân nhưng cũng có thể xuất hiện ở tay, khiến máu lưu thông khó khăn hơn trong các tĩnh mạch, khiến tĩnh mạch phì ra, gây đau và khó chịu cho người bệnh.
- Huyết khối tĩnh mạch nông: Là hiện tượng hình thành các cục máu đông gây tắc nghẽn ở mạch máu, gây đau và khó chịu cho người bệnh nhưng thường không gây nguy hiểm.
- Huyết khối tĩnh mạch sâu: Các huyết khối ở tĩnh mạch sâu có thể hình thành sau khi truyền tĩnh mạch kéo dài hoặc chịu ảnh hưởng từ các chấn thương vào tĩnh mạch, tương tự như nguyên nhân gây huyết khối tĩnh mạch sâu. Các cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu nếu vỡ ra có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Điều trị suy giãn tĩnh mạch khiến bàn tay nổi gân xanh
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch mà các phương pháp điều trị phù hợp được đưa ra để đạt hiệu quả tốt nhất.
- Điều trị bằng thuốc: Nếu giãn tĩnh mạch do viêm tĩnh mạch có thể sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc kháng viêm kết hợp chườm ấm để giảm đau. Nếu có hình thành máu đông, người bệnh có thể sử dụng thuốc giảm đau và thuốc chống đông máu theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Phẫu thuật cắt bỏ: Bệnh nhân được loại bỏ các tĩnh mạch bị suy giãn qua tiểu phẫu ở tay.
- Liệu pháp laser: Sử dụng sóng cao tần hoặc sóng radio để loại bỏ những đoạn tĩnh mạch bị suy giãn.
- Điều trị xơ cứng: Tĩnh mạch được tiêm thuốc gây xơ có chứa hóa chất gây tổn thương lớp nội mạc mạch máu, gây phản ứng viêm khiến lòng mạch bị xơ hóa và dính lại, các tĩnh mạch đã bị suy giãn sẽ được loại bỏ.
- Tuốt loại bỏ và nối tĩnh mạch: Phương pháp này thường chỉ dành cho các tĩnh mạch lớn. Các tĩnh mạch còn lại sẽ đảm nhiệm các công việc của tĩnh mạch đã bị tuốt loại bỏ để tiếp tục lưu thông máu bình thường.