Bệnh suy giãn tĩnh mạch và bệnh trĩ là hai căn bệnh phổ biến và có mối liên hệ chặt chẽ. Cả hai căn bệnh này có nguyên nhân chung là tĩnh mạch bị áp lực dẫn đến sự giãn nở quá mức, sưng và xoắn tĩnh mạch.
Thường thấy tình trạng giãn tĩnh mạch thường xuất hiện ở chân, nhưng cũng có những trường hợp giãn tĩnh mạch xảy ra ở các bộ phận khác trong cơ thể, như trực tràng, gây ra bệnh trĩ.
Cả hai bệnh suy giãn tĩnh mạch và trĩ không phải là những căn bệnh nguy hiểm, nhưng chúng gây khó chịu, đau nhức, mệt mỏi và ảnh hưởng đến tự tin và chất lượng cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Đặc biệt, những bệnh này có tính nhạy cảm, ảnh hưởng đến ngoại hình. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển và gây ra tác động tiêu cực cho sức khỏe, điều trị cũng trở nên khó khăn và tốn kém thời gian và tiền bạc.
Biểu hiện của bệnh giãn tĩnh mạch có thể dễ dàng nhận biết, thường xuất hiện ở chân. Bằng cách quan sát bằng mắt thường, ta có thể thấy các tĩnh mạch bị giãn, xoắn, sưng phồng với màu sắc xanh đậm hoặc tím ngắt. Những triệu chứng đi kèm bao gồm chuột rút, đau nhức, tê bì ở chân, cảm giác phù nề trong bàn chân và mắt cá chân.
Nếu tĩnh mạch bị giãn ở trực tràng gây ra bệnh trĩ, biểu hiện phổ biến nhất là khi đi đại tiện có máu, cảm giác đau, nóng rát, ngứa ngáy không thoải mái… Trong trường hợp trĩ ngoại, ta có thể thấy rõ các búi trĩ là các tĩnh mạch bị giãn, xoắn và trồi lên khỏi hậu môn.
Vậy nguyên nhân gây ra tình trạng suy giãn tĩnh mạch và trĩ là gì? Đó chính là sự cản trở lưu thông máu trong các tĩnh mạch, khiến máu tụ lại và gây ra tình trạng giãn tĩnh mạch. Khi chân chịu áp lực, các tĩnh mạch ở chân bị giãn và sưng; khi trực tràng chịu áp lực, các tĩnh mạch ở trực tràng bị xoắn, giãn và sưng phồng, hình thành các búi trĩ.
Chân thường phải chịu áp lực từ trọng lượng cơ thể và các hoạt động như đứng, ngồi, làm việc, tham gia vào các hoạt động thể thao… Do đó, những người thường xuyên ngồi, đứng lâu, vận động nặng hoặc tham gia vào các môn thể thao gây áp lực lớn cho chân như cử tạ, quần vợt, bóng đá… có nguy cơ cao bị suy giãn tĩnh mạch ở chân.
Bệnh trĩ thường phát triển ở những người có tiêu hóa kém, thường gặp tình trạng táo bón hoặc tiêu chảy, dẫn đến việc phải rặn mạnh hoặc ngồi lâu khi đi đại tiện, gây áp lực lên các tĩnh mạch ở trực tràng.
Hiểu được cơ chế gây bệnh như vậy, chúng ta có thể áp dụng những biện pháp phòng ngừa cũng như chữa suy giãn tĩnh mạch và trĩ một cách hiệu quả. Vì cả hai bệnh này có liên quan đến áp lực lên các tĩnh mạch, các biện pháp ngăn ngừa và điều trị suy giãn tĩnh mạch đồng thời cũng có tác dụng quan trọng đối với bệnh trĩ.
Cụ thể, người bệnh nên thực hiện hoạt động thể chất phù hợp để cải thiện lưu thông máu; uống đủ nước và tăng cường việc tiêu thụ thực phẩm giàu chất xơ và dễ tiêu hóa để ngăn ngừa táo bón. Họ cũng nên tránh các loại thực phẩm khó tiêu, cay nóng và các chất kích thích để hạn chế tình trạng bệnh.