Câu hỏi:
Xin chào bác sĩ,
Xin bác sĩ cho biết các giai đoạn tiến triển của suy giãn tĩnh mạch từ nhẹ đến nặng sẽ thay đổi như thế nào? Nếu không được phát hiện, điều trị sớm sẽ gây ra biến chứng gì? Trong đó, biến chứng nào là đáng ngại nhất? Ở Việt Nam, theo một thống kê năm 2015 của tác giả Nguyễn Thị Hải Yến và Phạm Nguyên Sơn có đến 91,8% bệnh nhân suy tĩnh mạch không được điều trị. Theo bác sĩ, đâu là những yếu tố khiến việc điều trị chậm trễ, kém hiệu quả?
Trả lời:
Chào bạn,
Khám bệnh mang tính định hướng. Người thầy thuốc khi khám cho người bệnh có phản xạ như phù nề của bệnh nền do suy tim, suy gan hay mạch máu? Nếu do mạch máu thì phù nề biến đổi theo thời gian. Nếu sáng ra phù nề không thấy, mà chiều mới thấy thì là suy tĩnh mạch chi dưới.
Đầu tiên cần làm siêu âm mạch chi dưới, đánh giá dòng chảy tĩnh mạch qua siêu âm doppler. Siêu âm mạch để biết mạch giãn, suy thế nào để chẩn đoán bệnh.
Nếu không được điều trị, bệnh suy giãn tĩnh mạch có thể tiến triển trải qua 6 giai đoạn từ 0 đến 6. Ban đầu phù nề, nặng chân, rồi đến loét chân. Giai đoạn cuối nhiễm trùng. Nhiều bệnh nhân đến giai đoạn 4-5-6 mới đi khám. Trong khi đúng ra khởi phát từ giai đoạn 1-2 đã phải khám điều trị rồi. Nguyên nhân chậm khám do người bệnh thấy dấu hiệu chiều tối nặng chân, ngâm chân nghỉ ngơi thì sáng hôm sau lại thấy bình thường nên nghĩ nó chưa ảnh hưởng nhiều. Cho tới giai đoạn ban đêm chuột rút không ngủ được, hôm sau chân sưng nề, loét da mới đi viện khám nên phát hiện ra bệnh muộn.
Trước đây, khả năng chữa trị bệnh suy giãn tĩnh mạch của y học chưa phát triển. Vì vậy, cập nhật kiến thức người thầy thuốc chưa đầy đủ, dẫn đến việc giáo dục sức khỏe cộng đồng chưa tốt. Do đó, người dân chưa nắm hết tầm quan trọng, biến chứng có thể gặp của bệnh, dẫn tới hiện tượng đi khám muộn, chẩn đoán muộn, điều trị không kịp thời.